Với các trường ĐH, việc sử dụng IELTS hay các chứng chỉ quốc tế khác như SAT, TOEFL… là một trong những tiêu chí ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng đã cho thấy khát vọng hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến, nhất là từ khi được ‘tự chủ’ tuyển sinh từ năm 2018.

 

Đi đầu trong xu hướng này là ĐH Quốc gia Hà Nội với kỳ vọng sẽ tuyển được lứa thí sinh mới phù hợp cho các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Cùng năm này, hai ngôi trường đào tạo hàng đầu về kinh tế là ĐH Ngoại thương và ĐH Kinh tế Quốc dân cũng mở rộng thêm một phương thức xét tuyển mới là xét tuyển kết hợp, trong đó yêu cầu IELTS đạt tối thiểu 6.5. Theo lý giải của ĐH Ngoại thương, việc xét tuyển kết hợp này sẽ áp dụng cho các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao – vốn đòi hỏi cao về năng lực tiếng Anh.

Ban đầu chỉ có một vài trường “tiên phong”, nhưng đến năm 2021, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.

Đặc biệt hơn, mùa tuyển sinh 2021 vừa qua, những trường ĐH nổi tiếng có điểm chuẩn cao ‘chót vót’ như ĐH Y Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân,… cũng lần đầu tiên “săn lùng” thí sinh giỏi ngoại ngữ.

Trường ĐH Y Hà Nội dành 40 chỉ tiêu cho thí sinh giỏi tiếng Anh, Pháp. Thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế từ 6.5 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Pháp DALF C1 được ưu tiên trong nhóm xét tuyển, với tổng điểm tổ hợp khối B00 có thể thấp hơn điểm chuẩn (không quá 3 điểm).

Từng là trường Y duy nhất trên cả nước đào tạo chương trình tiên tiến ngành cử nhân Điều dưỡng (dạy và học bằng tiếng Anh, cũng là ngành học duy nhất thuộc khối khoa học sức khỏe cả nước có chương trình tiên tiến), sau 10 năm đào tạo, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết có gần 50% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được cấp chứng chỉ hành nghề và đang làm việc tại các bệnh viện lớn của CHLB Đức.

Trường kỳ vọng sẽ từng bước hội nhập sâu rộng, thực hiện các chương trình đào tạo quốc tế, trong đó có những điều chỉnh về phương thức tuyển sinh để thu hút sinh viên giỏi có trình độ ngoại ngữ. Từ mùa tuyển sinh tới, trường dự kiến sẽ mở rộng cả về chỉ tiêu xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ lẫn mở rộng dần cả về chỉ tiêu xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ lẫn mở rộng ngành.

Sau 3 năm kể từ khi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh lứa đầu tiên theo phương thức xét tuyển kết hợp, mặc dù chưa có những thống kê cụ thể, nhưng PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo đánh giá, “những sinh viên này đều có kết quả học tập tương đối tốt. Các em đều giỏi ngoại ngữ, có khả năng tư duy sâu và thành thạo nhiều kỹ năng,… Đây sẽ là ưu thế sau khi ra trường, giúp sinh viên có cơ hội việc làm tốt và đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu”.

Vì thế, năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tiếp tục tăng chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển này, đến 15 – 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

 

Cơ hội tốt để thay đổi

Một nữ tiến sĩ ở Học viện Ngân hàng cho biết, chị đã gặp nhiều sinh viên có điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh rất cao, nhưng khả năng tiếp cận, đọc hiểu tài liệu, giao tiếp, thuyết trình lại rất… đuối. Mà đấy lại là điều cần thiết trong môi trường đại học.

Còn theo một giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), “đối với những ngành khoa học cơ bản, ngoại ngữ sẽ là trợ thủ đắc lực giúp sinh viên có thể tự đọc và nghiên cứu các tài liệu quốc tế”.

Từng dẫn dắt nhiều sinh viên thực hiện các bài báo công bố quốc tế, việc đầu tiên anh thường yêu cầu sinh viên khi tới lab là phải đọc hiểu, phân tích được một số tài liệu, bài báo chuyên ngành ở cả trong nước và quốc tế liên quan đến hướng nghiên cứu dự định làm.

Lúc này, năng lực tiếng Anh để hỗ trợ cho việc tự học là yêu cầu bắt buộc, bởi giảng viên không thể làm thay.

Nhiều người nhìn nhận, kết quả bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đủ để đánh giá năng lực, trình độ của thí sinh về các kỹ năng ngôn ngữ lẫn tư duy học thuật. Thậm chí, kể cả nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, điều này cũng không có nhiều giá trị nếu đề thi không mang tính phân loại cao.

Nhưng với các chứng chỉ quốc tế lại khác. Hệ thống thi và cấp chứng chỉ IELTS nói riêng và nhiều chứng chỉ tiếng Anh nói chung đã được hình thành trên toàn cầu trong một khoảng thời gian đủ dài và có uy tín.

“Ngôn ngữ IELTS chạm tới những chủ đề chuyên sâu nhất như kỹ thuật, kinh tế, khoa học, xã hội. Khi học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên đồng nghĩa với việc các em đã có khả năng nghe, nói, đọc, viết ngôn ngữ tiếng Anh học thuật ở mức độ tương đối.

Do đó, đây sẽ là một công cụ tốt như một tiêu chí đầu vào, thậm chí là cả đầu ra cho các trường. Việc này cũng sẽ làm đa dạng hóa sự lựa chọn cho học sinh, tạo nền tảng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học”, ThS Nguyễn Hồng Phương, giảng viên Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận.

Thừa nhận một thực tế, sinh viên ngành y chưa thực sự chú trọng vào việc học ngoại ngữ, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội mong muốn, những thay đổi trong phương thức tuyển sinh năm nay sẽ khích lệ học sinh tự trau dồi năng lực ngoại ngữ khi còn học phổ thông, để ngoại ngữ sẽ là năng lực cần thiết với sinh viên muốn học ngành y.

“Có ngoại ngữ, sinh viên có thể học tập tích cực hiệu quả nhất, tự học, tự tìm tòi tham khảo các tài liệu, học liệu quốc tế, tham gia vào các diễn đàn y khoa để trau dồi kiến thức và năng lực chuyên môn. Thiếu ngoại ngữ, sinh viên khó có thể phát triển nghề nghiệp như mong muốn và đạt được những yêu cầu của y học trong thế giới hội nhập”.

GS Tú cho rằng quan niệm về dạy và học đại học ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Học đại học giờ đây không còn là chuyện cầm tay hướng dẫn như thời phổ thông nữa, mà sinh viên cần có khả năng tự học, tự tìm tòi có hướng dẫn, từ đó sẽ hình thành thêm năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo…

“Với những điều chỉnh về quy chế xét tuyển năm nay, có thể thấy những trường đại học, đặc biệt là những đại học tốp đầu, giờ đây đã coi ngoại ngữ là một năng lực cần thiết và xem đó như một tiêu chí quan trọng trong việc tuyển sinh”.

Khi Bộ GD-ĐT “thả” cho các trường có quyền tự quyết, đây chính là cơ hội tốt để các trường tự thay đổi mình. Các trường cần phải tìm ra những giải pháp phù hợp để có được nguồn tuyển chất lượng, mà việc sử dụng các chứng chỉ quốc tế có thể là một tiêu chí quan trọng giúp các trường tuyển được những lứa thí sinh có năng lực tốt trong tương lai.

 

 

Vietnamnet

icon-call
Gọi cho SunUni...
icon-messenger
Chat ngay để nhận tư vấn